Ảnh hưởng môi trường Cát tặc và sự kiện bán cát Việt ra nước ngoài 2017

Theo chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc, Singapore là nước nhập cảng cát nhiều nhất thế giới. Lãnh thổ của Singapore nhờ chương trình lấp cát so với 40 năm trước rộng thêm hơn 1/5. Mỗi năm, tính ra theo đầu người mỗi người Singapore dùng 5,4 tấn cát lấy từ những nơi khác.[5]

Mỗi năm tổng cộng trên toàn thế giới ước tính khoảng 40 tỷ tấn cát được lấy đi. Những nơi bị lấy cát đưa tới những sự cố môi trường. Bờ biển bị sói mòn nhanh hơn, Muối ngập vào nguồn nước ngầm. Các bãi biển bị ngập nước thành biển. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng vì mực nước biển dâng do ấm lên toàn cầu.[5]

Việt Nam 2017

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trong cuộc họp về “cát tặc” với các bộ, ngành, địa phương chiều 7-3: " Với đà khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên này (cát sỏi) sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy khác nhu xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình quan trọng, tác động xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân sinh sống xung quanh, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy, gây bức xúc dư luận..." [6]

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (khoa môi trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội): "Khi khai thác cát quá mức sẽ gây xói lở bờ sông, đê điều. Bởi vì độ thủy lực của dòng sông cân bằng với độ bồi tích, lúc này độ bồi tích của dòng sông bị mất thì động lực nước sẽ cao lên. Vì vậy, sạt lở bờ sông, sạt lở đê điều, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long là điều hiển nhiên". Bồi tích là nơi phát triển bùn dư thực vật, là nơi đáp ứng thức ăn cho cá, là nơi làm tổ của động vật đáy… bây giờ khai thác thì hệ thống thủy sinh cũng sẽ thay đổi.[7]

Theo báo Tuoitre trực tuyến ngày 8 tháng 5, thông qua báo cáo của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, đối với các tuyến sông, có đến 93 khu vực lòng sông, bãi sông, trong phạm vi khoảng 118 km đê xảy ra tình trạng hút cát. Qua báo cáo của các địa phương, cả nước có 737 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.257 km. Tình trạng diễn ra kéo dài thời gian qua đã làm thay đổi dòng chảy gây sạt bờ sông, kè... dẫn đến mất an toàn đê điều. Nguy hiểm hơn là việc này làm biến dạng đê, thay đổi kết cấu.

Bên cạnh đó, việc khai thác cát, sỏi lòng sông với khối lượng lớn, trên phạm vi nhiều tuyến sông đã làm cho lòng sông bị hạ thấp, phân lưu dòng chảy trên các tuyến sông thay đổi. Trong 10 năm gần đây, lòng dẫn sông Lô, sông Hồng, sông Đuống hạ thấp từ 3-6m; lưu lượng dòng chảy từ sông Hồng sang sông Đuống tăng từ 24% lên 39%. Do đó, mùa khô tại các tuyến sông mực nước bị hạ thấp, nhiều công trình không lấy được nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.[8]

Nổi bật nhất là tại sông Vàm Nao (An Giang) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng vào ngày 22-4. Đến thời điểm hiện tại, vụ sạt lở đã làm 15 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm với chiều dài đoạn sạt lở khoảng 70m, lấn sâu vào bờ hơn 35m, cắt đứt đường giao thông liên xã và phải di dời khoảng 20.000 hộ dân sống ven sông tỉnh An Giang. Đến thời điểm này, ước tính tổng thiệt hại trên 90 tỉ đồng.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cát tặc và sự kiện bán cát Việt ra nước ngoài 2017 http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/mafia-kiem-soat... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-truong-tr... http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/cua-dai-quang... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cat-tac-long-... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/rut-ruot-tai-... http://thanhnien.vn/thoi-su/khai-thac-cat-tan-pha-... http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20170508/n... http://tuoitre.vn/tin/can-biet/20170503/khai-thac-... http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170302/ca... http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170302/du...